2bacsi
04:11 20 Tháng Một, 2019

Quai bị là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả : Như Bích

Tham vấn y khoa : BS Hà Văn Hương

Quai bị là bệnh lý liên quan đến tuyến nước bọt, gặp nhiều ở nam giới. Các chuyên gia y tế đánh giá quai bị là căn bệnh lành tính. Nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hãy cùng 2bacsi tìm hiểu rõ hơn bệnh quai bị là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng bệnh quai bị, cũng như cách điều trị ra sao? Qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung về bệnh quai bị

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị, hay còn gọi là bệnh má chàm bàm, là bệnh truyền nhiễm do virus. Gây sưng tuyến nước bọt và đau. Bệnh quai bị có khả năng lây từ người này sang người khác qua nước bọt, dịch tiết từ mũi và các tiếp xúc cá nhân gần gũi.

Thông thường, khi nhiễm phải virus, bệnh quai bị sẽ kéo dài từ 12 đến 24 ngày. Bệnh quai bị thường phổ biến ở trẻ em từ 2- 14 tuổi, đặc biệt là trẻ em nam. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng bệnh quai bị

Những triệu chứng, dấu hiệu quai bị

Sau khi tiếp xúc với người bệnh quai bị và bị lây nhiễm virus, thông thường phải 6-9 ngày trẻ mới có biểu hiện bệnh quai bị đầu tiên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp kéo dài đến hai tuần mới có triệu chứng.

Các triệu chứng bệnh quai bị phải kể đến đó là:

  • Biểu hiện sưng đau vùng mang tai, là do viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai.
  • Trước khi sưng 1 – 2 ngày, một số trẻ có cảm giác đau, khó nhai.
  • Vùng mang tai có  thể bị sưng cùng lúc hai bên và xuất hiện rất nhanh. Hoặc có thể sưng một bên, sau đó vài ngày sưng sang bên kia.
  • Trẻ có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói.

Triệu chứng bệnh quai bị sẽ tự lui dần sau 5 – 7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm sưng dần, trẻ ăn uống dễ hơn và hồi phục hoàn toàn sau 7 -10 ngày.

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng kể trên. Hoặc quan sát thấy con mình có dấu hiệu quai bị. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được giải đáp rõ ràng hơn.

Những biến chứng, tác hại của bệnh quai bị

Các chuyên gia y tế cho biết, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách. Bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, đối với bệnh quai bị, các biến chứng bệnh thường khá hiếm gặp. Chủ yếu là bị ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.

Bệnh quai bị khiến cho người bệnh có cảm giác đau ở nơi bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết. Khác với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc.

Gây cho người bệnh cảm giác khó thở, khó giao tiếp, khó ăn uống. Bệnh biểu hiện trong khoảng 10 ngày. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững nên ít khi bị quai bị lần hai.

Biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh quai bị đó là gây biến chứng viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn. Tuy vậy, tỷ lệ teo tinh hoàn do virut quai bị rất thấp (0,5%). Nếu teo tinh hoàn một bên, chức năng của tinh hoàn còn lại vẫn hoạt động bình thường. Nhưng khi đã bị teo cả 2 bên sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tình dục và sinh sản (vô sinh).

Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, ở nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị biến chứng viêm buồng trứng tuy rằng chỉ chiếm tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, quai bị còn gây một số biến chứng biến chứng ít gặp đó là: viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu.

Mắc quai bị, khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc con bạn có các triệu chứng bệnh quai bị. Hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Do cơ địa và tình trạng bệnh lý của mỗi người khác nhau. Vì thế việc thăm khám và tư vấn của bác sĩ là việc cần thiết để chẩn đoán, điều trị tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh quai bị

Nguyên nhân nào gây ra bệnh quai bị?

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh quai bị là do virus Paramyxovirus gây ra. Ở miền Nam, bệnh thường xuất hiện từ tháng 10 kéo dài đến tháng sáu năm sau và cao điểm từ tháng 12 đến tháng  3 – 4.  Tuổi mắc bệnh thường là tuổi bắt đầu đi học (sau 3 -5 tuổi) khi trẻ tiếp xúc với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học.

Bệnh có trên toàn thế giới và chỉ xuất hiện ở người. Quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và người lớn (phần trăm ít hơn).

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị?

Dưới đây là một số nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh quai bị.

  • Độ tuổi: trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 12 (đặc biệt là ở những trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị);
  • Tiếp xúc hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh;
  • Hệ thống miễn dịch yếu.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ mắc bệnh, tốt hơn hết nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Quai bị có lây không?

Rất nhiều người thắc mắc rằng, mắc quai bị có lây không? Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ chuyên khoa cho biết, căn bệnh này hoàn toàn có thể lây nhiễm.

Bởi nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là vi rút. Quai bị lây chủ yếu qua nước bọt và các dịch tiết của cơ thể người bệnh, hoặc các phương thức như:

– Ho, hắt hơi, nói chuyện …;

– Dùng chung đồ dùng cá nhân và bát đũa;

– Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ (đặc biệt là rửa tay) và chạm vào đồ vật của người bệnh.

Nếu bạn nghi ngờ bản thân vừa tiếp xúc với người mắc bệnh. Hãy đến khám tại những bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị quai bị hiệu quả

Lưu ý: Những thông tin được cung cấp sau đây, không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chẩn đoán bệnh quai bị bằng cách nào?

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh quai bị thông qua các triệu chứng lâm sàng. Hoặc bạn có thể được yêu cầu xét nghiệm máu để chẩn đoán bạn có bị mắc quai bị hay không?

Chữa quai bị bằng cách nào?

Vì là bệnh do virus gây ra, nên bệnh có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thông thường người bệnh chỉ mắc quai bị một lần trong đời, sau đó sẽ miễn dịch suốt đời với căn bệnh này.

Trong trường hợp bị sốt cao, người bệnh có thể sử dụng Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp làm giảm sốt và giảm đau.

Không dùng aspirin cho trẻ nhỏ vì các nguy cơ có thể mắc phải hội chứng Reye. Chườm lạnh lên hàm có thể giúp xoa dịu cơn đau và đắp khăn ấm để hạ sốt. Uống nhiều nước hơn, tránh thức ăn cay và quá cứng.

Trong khi mắc bệnh, nên nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi khỏi, tránh lây bệnh cho người khác.

Lối sống và thói quen sinh hoạt tốt cho bệnh nhân quai bị

Bệnh quai bị có thể được đẩy lùi nhanh chóng, nếu như người bệnh có lối sống sinh hoạt và ăn uống tốt. Cụ thể như:

Thay đổi cách sinh hoạt

– Nghỉ ngơi khi cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi;

– Dùng thuốc giảm đau không kê toa để hạ sốt như acetaminophen hay ibuprofen;

– Làm dịu các tuyến bị sưng bằng cách chườm túi nước đá;

– Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt;

– Thực đơn nên bao gồm các món ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp, sữa chua, cháo … Hãy đảm bảo rằng chúng dễ nhai, bởi nếu ăn đồ cứng có thể khiến tuyến nước bọt sưng lên;

– Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C không axit như dưa đỏ, xoài, rau lá xanh đậm, … cùng với các món ăn thanh mát như khổ qua, đậu xanh, hoa kinh giới …;

– Thêm các loại gia vị như tiêu đen, gừng và tỏi vào đồ ăn để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Quai bị kiêng gì?

Mỗi loại bệnh đều có điểm yếu riêng, và quai bị cũng vậy. Bệnh nhân cần nắm rõ những kiêng khem khi mắc bệnh để phục hồi sức khỏe nhanh nhất:

Trong sinh hoạt – Bệnh quai bị cần kiêng gì?

– Tránh tắm quá lâu, vì lúc này cơ thể đang yếu ớt nên rất dễ bị cảm.

– Kiêng gió và nước lạnh vì chúng sẽ khiến vùng má bị sưng đau nặng hơn.

– Tránh nói quá nhiều khiến hàm phải hoạt động liên tục – chúng cần thời gian nghỉ ngơi.

– Không dùng chung đồ vật với người bệnh vì khả năng lây lan là rất cao.

– Nhất định không được tự ý chữa bệnh bằng các liệu pháp dân gian chưa được khoa học chứng minh hoặc tự mua thuốc để uống.

Quai bị nên kiêng ăn gì?

– Không ăn đồ nếp.

– Không ăn cá mè, cá chép.

– Tránh thực phẩm và đồ uống có tính axit như cam, chanh, … và đồ nếp vì chúng khiến tuyến nước bọt chịu đau đớn hơn.

– Không ăn đồ cứng hoặc khô vì dễ khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng.

Cách phòng tránh bệnh quai bị

Cho đến này, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh căn bệnh này, bằng cách tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Theo CDC (cục Quản lý Dịch bệnh Hoa Kỳ), vắc xin quai bị khá an toàn, có hiệu giá kháng thể cao và không làm tăng nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ em. Do đó, nếu con bạn chưa tiêm phòng quai bị. Hạn hãy đưa bé đến các bệnh viện và trung tâm y tế địa phương để bé được bảo vệ tối đa bằng vắc xin.

Vừa rồi là những thông tin giải đáp bệnh quai bị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh quai bị. Hi vọng rằng những thông tin, 2bacsi vừa cung cấp đã giúp ích cho mọi người.

Ngày đăng: 04:11 20 Tháng Một, 2019 | Lần cập nhật cuối: 04:11 20 Tháng Một, 2019

đăng ký mail

để nhận tin mới mỗi ngày

~ Sức khỏe của bạn Là niềm hạnh phúc của chúng tôi ~

2bacsi là trang web tổng hợp và chia sẻ các kiến thức về sức khỏe , y tế hàng đầu Việt Nam. Các thông tin trên 2bacsi.com chỉ mang tính chất tham khảo . Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.