Ciprofloxacin là thuốc gì- Công dụng, liều dùng, tương tác thuốc
Tham vấn y khoa : BS Hà Văn Hương
Ciprofloxacin là loại thuốc kháng sinh lắm “tài” nhưng cũng nhiều “tật”. Ở nước ta, thuốc ciprofloxacin được sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, tương tác thuốc…Cùng với đó là sử dụng tùy tiện, không theo chỉ định đã khiến nhiều người bệnh gặp hậu quả nghiêm trọng.
Trong nội dung bài viết ngày hôm nay, 2 bacsi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ nhất về thuốc ciprofloxacin. Hy vọng, các bạn sẽ hiểu hơn về thuốc và có cách sử dụng đúng đắn để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ THUỐC CIPROFLOXACIN?
Ciprofloxacin là thuốc gì?
Đây là thuốc kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm fluoroquinolone có phổ kháng khuẩn rộng.
Thuốc ciprofloxacin có tác dụng ngay cả với các vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh thuộc những nhóm khác như betalactam, aminoglycosid, tetracyclin…
Tuy rằng loại thuốc này có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng đồng thời chứa nhiều tác dụng phụ. Người bệnh không nên sử dụng thuốc tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thành phần thuốc ciprofloxacin gồm những gì?
Ciprofloxacin hydrochloride là thành phần chính của thuốc cùng một số tá dược khác.
Tên thương hiệu của ciprofloxacin
Thương hiệu thuốc khá đa dạng: Cipicin, Ciplox, Medopiren, Ciplox Eye, Ear Drops/Eye Ointment, Pharmabay, PMS-Ciprofloxacin, Pycip, Amfacin, Adiflox, Aprocin, Baxolyn, Bernoflox, Cetafloxo, Ciflosacin, Cifloxin, 493271096 và Ciprofloxacin.
Thuốc ciprofloxacin có những dạng nào?
Tùy theo tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng dạng thuốc ciprofloxacin phù hợp:
- Viên nén bao phim, thuốc uống: 250 mg, 500 mg
- Dung dịch tiêm truyền, thuốc uống: 5% (100 mL); 10% (100ml)
- Dung dịch nhỏ mắt- nhỏ tai
- Thuốc mỡ tra mắt
CÔNG DỤNG CỦA THUỐC CIPROFLOXACIN
Thuốc ciprofloxacin có công dụng gì?
Ciprofloxacin thuốc là một kháng sinh thuộc nhóm quinolone. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn do đó được sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm trùng.
Các bạn nên lưu ý, thuốc này chỉ có tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Không có hiệu quả với nhóm bệnh do virus gây nên. Bởi vậy, việc sử dụng thuốc cần hết sức cân nhắc.
Bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh dùng thuốc ciprofloxacin trong những trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, da, mô mềm và xương.
- Viêm đường tiết niệu trên và dưới: Viêm niệu đạo, viêm bàng quang, nhiễm trùng thận.
- Nhiễm trùng đường ruột: Tiêu chảy, thương hàn…
- Viêm nhiễm đường sinh dục: Viêm cổ tử cung do lậu; Viêm tuyến tiền liệt mãn tính.
- Nhiễm khuẩn nặng mắc trong bệnh viện: Nhiễm khuẩn huyết, hệ miễn dịch cơ thể suy giảm.
- Phòng ngừa bệnh não mô cầu và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch.
TRƯỜNG HỢP NÀO NÊN CÂN NHẮC KHI SỬ DỤNG THUỐC CIPROFLOXACIN
Thuốc ciprofloxacin chống chỉ định trong trường hợp nào?
Những nhóm đối tượng sau đây không nên sử dụng thuốc ciprofloxacin để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn:
- Người bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Ciprofloxacin và các thuốc liên quan như acid nalidixic và các quinolon khác.
- Phụ nữ mang thai: Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai có thể gây nên ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú: Các hoạt chất có trong thuốc bài tiết qua sữa mẹ rất nhanh. Trẻ nhỏ khi dùng sữa này dễ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
- Trẻ đang trong giai đoạn phát triển (dưới 18 tuổi): Thuốc ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của sụn, khớp. Do đó, trẻ không nên sử dụng.
- Người cao tuổi: Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra ở người cao tuổi đó là gây viêm dây thần kinh, đau cơ, đứt gót chân A-sin (Achill).
- Người vận hành máy móc tàu xe: Nếu bạn thường xuyên phải di chuyển tàu, xe, hãy cân nhắc khi sử dụng thuốc. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, ciprofloxacin có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng.
- Bạn cũng nên thận trọng khi dùng thuốc nếu bản thân có tiền sử: Động kinh; Rối loạn hệ thần kinh trung ương; Thiếu men glucose 6 phosphate dehydrogenase ( G6PD); Mắc bệnh nhược cơ.
NGƯỜI LỚN NÊN DÙNG CIPROFLOXACIN VỚI LIỀU LƯỢNG NHƯ THẾ NÀO?
Thông tin trong bài viết không thể thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, các bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để hạn chế tác dụng phụ
Dự phòng người lớn mắc bệnh than
Nếu bạn đã phơi phiễm bệnh than, hãy điều trị ngay khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu phơi nhiễm.
Thông thường, người bệnh cần kết hợp điều trị tiêm tĩnh mạch và uống thuốc trong khoảng 60 ngày. Liều lượng cụ thể như sau:
- Tiêm tĩnh mạch: 400 mg mỗi 12 giờ.
- Uống: 500 mg mỗi 12 giờ.
Đối với trường hợp bị nhiễm trùng huyết
Nếu bạn bị nhiễm trùng huyết thứ cấp liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu do khuẩn Escherichia coli. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 7-14 ngày, tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Liều thuốc được chỉ định trong trường hợp này là: tiêm tĩnh mạch 400 mg mỗi 12 giờ
Đối với trường hợp bị viêm phế quản
Thông thường bạn sẽ mất từ 7-14 ngày để hoàn tất việc điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính:
- Nhẹ/trung bình: tiêm tĩnh mạch: 400 mg mỗi 12 giờ. Uống: 500 mg mỗi 12 giờ.
- Nặng/phức tạp: tiêm tĩnh mạch: 400 mg mỗi 8 giờ. Uống: 750 mg mỗi 12 giờ.
Liều dùng Ciprofloxacin 0,3% khi mắc các bệnh về mắt
- Nhiễm khuẩn cấp tính: Khởi đầu nhỏ 1-2 giọt mỗi 15- 30 phút, giảm dần số lần nhỏ mắt xuống nếu bệnh đã thuyên giảm..
- Các trường hợp nhiễm khuẩn khác: Nhỏ 1-2 giọt, 2-6 lần/ngày hoặc hơn nếu cần.
- Bệnh đau mắt hột cấp và mãn tính: 2 giọt cho mỗi mắt, 2 -4/lần mỗi ngày. Tiếp tục điều trị trong 1- 2 tháng hoặc lâu hơn.
Liều dùng Ciprofloxacin 0,3% khi mắc các bệnh về tai:
Ban đầu nhỏ 2- 3 giọt mỗi 2- 3 giờ, giảm dần số lần nhỏ khi bệnh đã thuyên giảm.
LIỀU DÙNG CIPROFLOXACIN CHO TRẺ EM
Dự phòng bệnh than ở trẻ em
Nếu hít phải trực khuẩn than Bacillus anthracis, trẻ em có nguy cơ cao bị phơi phiễm. Đây là một bệnh nguy hiểm do đó cần điều trị càng sớm càng tốt.
Tổng thời gian điều trị (kết hợp tiêm tĩnh mạch và thuốc uống) khoảng 60 ngày. Liều dùng cụ thể như sau:
- Tiêm tĩnh mạch: 10 mg/kg mỗi 12 giờ (liều tối đa: 400 mg/liều).
- Uống: 15 mg/kg mỗi 12 giờ (liều tối đa: 500 mg/liều).
Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Trẻ ở độ tuổi từ 1-18 tuổi nếu bị biến chứng do nhiễm khuẩn Escherichia coli có thể dùng thuốc với liều lượng như sau:
- Tiêm tĩnh mạch: 6-10 mg/kg mỗi 8 giờ (liều tối đa: 400 mg/liều).
- Uống: 10-20 mg/kg mỗi 12 giờ (liều tối đa: 750 mg/liều).
Tổng thời gian điều trị (kết hợp tiêm tĩnh mạch và thuốc uống) kéo dài từ 10-21 ngày.
CÁCH DÙNG CIPROFLOXACIN NHƯ THẾ NÀO?
Cách dùng ciprofloxacin có khó không? Dùng thuốc ciprofloxacin như thế nào là an toàn, đúng cách? Đây là những vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm, tìm hiểu.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được in trên bao bì thuốc. Hoặc lắng nghe chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc thường được dùng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Thuốc có thể dùng kèm hoặc không kèm thức ăn.
- Lưu ý khi sử dụng thuốc dạng hỗn dịch:
+ Lắc đều chai thuốc trong khoảng 15 giây để các hợp chất của thuốc được hòa tan.
+ Dùng thìa hoặc thiết bị đo để liều lượng thuốc sử dụng ở mức quy định.
+Tuyệt đối không được nhai các thành phần bên trong hỗn dịch thuốc
+ Không sử dụng ống dẫn thức ăn vì các hạt trong hỗn dịch có thể làm tắc nghẽn ống.
- Đối với thuốc dạng viên nén, bạn nên chú ý:
+Uống nhiều nước khi dùng thuốc
+Thuốc có thể sử fụng khi no hoặc đói đều được.
+Nếu dùng thuốc chung với sữa hoặc caffeine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Cách ít nhất 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi sử dụng các loại thuốc khác, bạn mới nên sử dụng ciprofloxacin để tránh làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc sau: Quinapril, sucralfate, vitamin/khoáng chất (bao gồm thuốc bổ sung sắt và kẽm), và các thuốc chứa magne, nhôm, hoặc canxi (như thuốc kháng axit, dung dịch didanosine, thuốc bổ sung canxi).
- Chỉ nên dùng thuốc trước 2 giờ hoặc sau 6 giờ sau khi ăn các loại thực phẩm giàu canxi. Bởi lẽ những thực phẩm này có thể làm giảm hiệu lực của canxi.
- Kháng sinh hoạt động hiệu quả nhất khi lượng thuốc trong cơ thể của bạn được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, hãy uống thuốc với các khoảng cách đều nhau. Bạn không nên tùy tiện ngưng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
TÁC DỤNG PHỤ
Ciprofloxacin là thuốc có nhiều công dụng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Bạn nên ngưng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất cứ phản ứng nào sau đây.
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Hoa mắt, chóng mặt hoặc thường xuyên buồn ngủ.
- Thị lực giảm.
- Luôn cảm thấy lo lắng, bất an hoặc kích động.
- Khó ngủ (mất ngủ hay gặp ác mộng).
- Phát ban
- Khó thở
- Sưng ở mặt, môi, lưỡi, họng
Những tác dụng phụ nghiêm trọng
- Chóng mặt nặng, ngất, tim đập nhanh hay đập mạnh;
- Khớp bị đau đột ngột, có âm thanh lách tách hoặc lốp bốp, bầm tím, sưng, đau, cứng khớp, hoặc không thể cử động bất kỳ khớp xương nào;
- Tiêu chảy nước hoặc có máu;
- Nhầm lẫn, ảo giác, trầm cảm, có suy nghĩ hoặc hành vi khác thường;
- Động kinh (co giật);
- Đau đầu, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, các vấn đề về thị lực, đau phía sau mắt;
- Da tái hoặc vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt, suy nhược;
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không thể tiểu;
- Dễ bầm tím hoặc chảy máu;
- Tê, ngứa ran hoặc đau bất thường ở các vị trí trong cơ thể;
- Có dấu hiệu phát ban da, dù nhẹ;
- Phản ứng da nghiêm trọng – sốt, đau họng, sưng mặt hoặc lưỡi, rát mắt, đau da, kèm phát ban da đỏ hoặc tím lan rộng (đặc biệt là ở mặt hoặc vùng trên của cơ thể) và gây phồng rộp và bong tróc da.
Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc
Để hạn chế những tác dụng không mong muốn xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Ngoài việc tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, các bạn cũng nên lưu ý:
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi dùng ciprofloxacin. Nếu phải ra nắng thì cần bảo vệ da bằng cách dùng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30.
- Uống đủ nước và tránh ăn uống thức ăn gây kiềm hóa nước tiểu để tránh có tinh thể niệu hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận.
- Nếu bị tiêu chảy nặng, kéo dài trong và sau khi điều trị bằng ciprofloxacin, người bệnh có thể đã bị rối loạn nặng ở ruột cần ngừng thuốc và được thay thế bằng một kháng sinh khác thích hợp.
- Ngừng sử dụng thuốc ngay nếu bị đau, sưng, viêm hay đứt gân hoặc bị phát ban da, vàng da, nước tiểu sẫm màu hoặc các phản ứng bất lợi ngày một tăng nặng. Ngay sau đó, cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.
CIPROFLOXACIN CÓ THỂ GÂY TƯƠNG TÁC VỚI NHỮNG THUỐC NÀO?
Trước khi có ý định dùng ciprofloxacin, bạn hãy liệt kê cho bác sĩ biết những loại thuốc mà mình đang sử dụng. Dựa vào đó bác sĩ có thể nắm bắt được những loại thuốc này có gây tương tác với nhau không.
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Do đó, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi liều lượng thuốc hoặc ngưng dùng thuốc với những nhóm sau:
- Thuốc bao niêm mạc ( Nhôm, Magne), sắt, làm giảm hấp thu thuốc.
- Tăng tác động chống đông của Wafarine. Tăng nồng độ của Theophiline khi dùng đồng thời.
- Thuốc chống viêm non-Steroid, làm tăng tác dụng phụ của Ciprofloxacin.
- Didanosine làm giảm nồng độ của thuốc khi dùng đồng thời, nên uống thuốc trước 2 giờ hoặc sau 6 giờ khi uống Didanosine.
- Probenecid làm giảm đào thải Ciprofloxacin khi dùng đồng thời.
- Thuốc gây độc tế bào như: cyclophosphamid, vincristin, doxorubicin, cytosin arabinosid, mitozantron), có thể làm giảm hấp thu 50% Ciprofloxacin.
MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC KHI SỬ DỤNG CIPROFLOXACIN
Thuốc ciprofloxacin có tương tác với thức ăn và rượu bia không?
Hiện nay vẫn chưa có thông báo chính thức về tương tác giữa thức ăn và rượu bia với thuốc ciprofloxacin.
Tuy nhiên, các bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi sử dụng thuốc. Bởi đây đều là những chất gây hại cho cơ thể. Chúng có thể làm giảm ít nhiều tác dụng của thuốc.
Tình trạng sức khỏe có ảnh hưởng đến thuốc ciprofloxacin không?
Tình trạng sức khỏe của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tác dụng của thuốc.
Để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Bạn hãy báo cáo với bác sĩ nếu bản thân bạn đang gặp phải những rắc rối sau đây:
- Nhịp tim chậm.
- Tiểu đường.
- Tiêu chảy;
- Từng có tiền sử về bệnh tim như: Nhồi máu cơ tim, suy tim, hội chứng QT kéo dài
- Nồng độ kali và magne trong máu thấp nhưng chưa được chữa trị.
- Bệnh về não, gan, thận, rối loạn về gân hoặc nhược cơ nặng
- Có tiền sử bị động kinh (co giật); bị đột quỵ
- Đã từng thực hiện phẫu thuật ghép nội tạng (ví dụ, tim, thận, hoặc phổi);
Phải làm gì nếu bạn quên dùng 1 liều thuốc?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy bổ sung ngay khi bạn nhớ ra.
Trong trường hợp gần đến liều kế tiếp, các bạn có thể bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc ở liều kế kiếp. Không tùy tiện tăng gấp đôi liều lượng thuốc để tránh gặp phải tác dụng phụ.
HƯỚNG DẪN CÁCH BẢO QUẢN THUỐC
Thuốc ciprofloxacin sẽ được bảo quản tốt nhất trong điều kiện sau:
- Lưu trữ thuốc ở nhiệt độ trong phòng từ 15-30°C.
- Không nên để thuốc tiếp xúc với ánh sáng, hơi nóng hoặc nơi ẩm ướt.
- Không dùng thuốc khi đã quá hạn in trên nhãn.
- Luôn để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi.
Trên đây là 5+ Thông tin về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, tương tác thuốc ciprofloxacin. Cùng với đó là một số lưu ý khi sử dụng và cách bảo quản. Hy vọng, những thông tin mà 2bacsi cung cấp đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này.
Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất bạn nhé!
Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!
Ngày đăng: 08:23 31 Tháng Một, 2019 | Lần cập nhật cuối: 08:26 31 Tháng Một, 2019
Ciprofloxacin https://www.webmd.com/drugs/2/drug-1124-93/cipro-oral/ciprofloxacin-oral/details
Ciprofloxacin https://www.drugs.com/cipro.html